Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thay thế một số công việc, nhưng cũng mang lại cho người trẻ lợi thế cạnh tranh trong môi trường làm việc, đặc biệt là gen Z.
Gần như tất cả các giám đốc điều hành - 96% - cảm thấy cấp bách trong việc tích hợp AI vào hoạt động kinh doanh của họ, theo một cuộc khảo sát của Slack Workforce Lab vào tháng 3-2024 với hơn 10.000 chuyên gia.
Nhưng nếu bạn cảm thấy hoài nghi về công nghệ mới này, bạn không phải là người duy nhất. Các nhà nghiên cứu dường như không đồng thuận về việc liệu người lao động có sử dụng AI hay không và sử dụng như thế nào.
Gen Z có thể sử dụng AI để tăng tốc sự nghiệp
Ngày càng có nhiều lãnh đạo yêu cầu kỹ năng trí tuệ nhân tạo ở các ứng viên mới. Những người trẻ có hiểu biết về AI sẽ có cơ hội việc làm lớn hơn so với người có kinh nghiệm hơn nhưng không có kỹ năng này, thúc đẩy tốc độ thăng tiến trên nấc thang sự nghiệp.
Nhân viên gen Z, vốn là những người lớn lên trong kỷ nguyên kỹ thuật số, có khả năng sử dụng các công cụ này trong công việc nhiều hơn so với các đồng nghiệp thuộc thế hệ Millennial, gen X và Baby boomer, theo nghiên cứu của Microsoft và LinkedIn.
Hơn nữa, 77% lãnh đạo cho biết tài năng trẻ có kỹ năng AI sẽ được giao nhiều trách nhiệm hơn trong công việc.
Aneesh Raman, phó chủ tịch và chuyên gia về lực lượng lao động tại LinkedIn, nói rằng trí tuệ nhân tạo cũng có thể giúp các chuyên gia trẻ tiến xa trong sự nghiệp của họ bằng cách cung cấp nhanh chóng các lời khuyên nghề nghiệp phù hợp, nghiên cứu thị trường và những hiểu biết sâu sắc khác dựa trên dữ liệu, giúp họ cảm thấy tự tin và có năng lực hơn trong công việc.
Lydia Logan, phó chủ tịch của IBM về giáo dục toàn cầu và phát triển lực lượng lao động, kỳ vọng rằng việc tích hợp nhanh chóng AI vào nơi làm việc sẽ khơi gợi những thay đổi đáng kể đối với trách nhiệm công việc của người mới vào nghề.
"Khi tôi nghĩ về công việc đầu tiên của mình, phần lớn những gì tôi làm là trả lời điện thoại, sắp xếp tài liệu. Và điều đó vẫn đúng với nhiều người. Nhiều công việc hành chính đó giờ đây có thể được tự động hóa với AI, tạo điều kiện cho người mới vào nghề có thể đảm nhận các trách nhiệm của ai đó ở cấp cao hơn họ một hoặc hai bậc trên nấc thang sự nghiệp", Lydia nói.
Kỹ năng AI có thể cạnh tranh với kinh nghiệm làm việc
Một số báo cáo cho rằng các chuyên gia đang hào hứng và thử nghiệm AI, trong khi cũng có thông tin cho biết hầu hết người trưởng thành chưa thử sử dụng các công cụ AI trong công việc, hoặc không tin tưởng chúng.
Bất kể quan điểm của bạn về AI là gì, những người không học cách sử dụng công nghệ này có nguy cơ mất cơ hội nghề nghiệp vào tay những người biết sử dụng, theo nghiên cứu mới từ Microsoft và LinkedIn.
Kỹ năng AI có thể cạnh tranh với kinh nghiệm làm việc trong các quyết định tuyển dụng, và không chỉ trong lĩnh vực công nghệ.
Gần 70% lãnh đạo cho biết họ sẽ không thuê người không có kỹ năng AI. Họ thà tuyển dụng ứng viên ít kinh nghiệm nhưng có kỹ năng AI, hơn là người có kinh nghiệm nhưng không có kỹ năng này, theo báo cáo khảo sát hơn 30.000 người tại 31 quốc gia.
Raman nói: "Học các kỹ năng AI cơ bản như kỹ thuật đặt các yêu cầu (prompt), học máy hoặc hiểu biết về dữ liệu là cách bảo đảm tốt nhất để nâng cao khả năng cạnh tranh của bạn so với những người có thể có nhiều kinh nghiệm hơn".
Một số công ty, bao gồm Google và Amazon, đã công bố đầu tư vào việc đào tạo kỹ năng AI cho lực lượng lao động của họ, nhưng các sáng kiến như vậy chưa phổ biến. Chỉ 25% công ty có kế hoạch cung cấp đào tạo về các công cụ AI tạo sinh như ChatGPT và Microsoft Copilot, theo Microsoft và LinkedIn.
Có hàng tá khóa học trực tuyến miễn phí mà mọi người có thể sử dụng để học kỹ năng AI được cung cấp bởi các công ty như IBM, Google và các trường trong nhóm Ivy League như Đại học Harvard và Đại học Pennsylvania.
Sự thổi phồng về AI còn lâu mới đạt đến đỉnh điểm. Nó chỉ mới bắt đầu phát triển, theo Colette Stallbaumer, tổng giám đốc Microsoft Copilot và đồng sáng lập của Microsoft WorkLab.
Tất nhiên, Microsoft đang đặt cược lớn vào AI. Vào tháng 5, gã khổng lồ công nghệ này đã công bố sẽ đầu tư 3,3 tỉ USD trong bốn năm tới để xây dựng cơ sở hạ tầng đám mây và AI mới.
"Chưa đầy hai năm sau khi AI tạo sinh xuất hiện, chúng ta đang chứng kiến công nghệ này được đan xen vào công việc trong nhiều ngành công nghiệp", Stallbaumer nói. "Điều này đang diễn ra vào một thời điểm then chốt khi áp lực, khối lượng và tốc độ công việc từ đại dịch COVID-19 gần như không giảm. Nhân viên đang quá tải và tìm đến AI để được trợ giúp".
Các công cụ AI tạo sinh đã chứng kiến sự gia tăng đột biến trong việc được áp dụng tại nơi làm việc, với tần suất sử dụng tăng gấp đôi trong sáu tháng qua, theo báo cáo của Microsoft và LinkedIn.
Không chỉ có lập trình viên và kỹ sư đang thử nghiệm các công cụ này. Kiến trúc sư, quản lý dự án và trợ lý hành chính cũng nằm trong số những chuyên gia đang tìm cách nâng cao kỹ năng AI nhiều nhất.
Các ngành công nghiệp phi công nghệ bao gồm chăm sóc sức khỏe, tài chính và tiếp thị đang nhanh chóng áp dụng các công nghệ AI để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và tăng năng suất, Stallbaumer bổ sung, tạo ra nhu cầu cao và cơ hội việc làm mới cho các chuyên gia thành thạo các công cụ này.
Phạm Huyền Phương